Top 6 phim của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt giải Oscar

Chủ đề: Top 6 phim của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt giải Oscar

Bong Joon Ho đã đánh bại những đối thủ vô cùng nặng ký để giành tượng vàng Oscar 2020 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Ông là đạo diễn điện ảnh và biên kịch phim nổi tiếng người Hàn Quốc. Những tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao và thắng nhiều giải quốc tế lớn.

Danh sách phim của đạo diễn đoạt giải Oscar 2020 Bong Joon Ho

  • Parasite – Ký sinh trùng (2019)
  • The Host – Quái vật sông Hàn (2006)
  • Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá (2013)
  • Okja (2017)
  • Memories of Murder (2003)
  • Mother (2009)

1/ Parasite – Ký sinh trùng (2019)

Parasite là bộ phim đoạt giải Oscar cho phim hay nhất khi giành tượng vàng tại 4/6 hạng mục đề cử: Kịch bản gốc, Phim quốc tế, Đạo diễn và Phim truyện hay nhất. Bộ phim lập nhiều kỷ lục “đáng gờm” như Phim Hàn Quốc đầu tiên được tượng vàng Oscar cho phim quốc tế hay nhất; Phim không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho phim hay nhất; Đạo diễn Hàn Quốc đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất; Tác phẩm đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019. Bản thân ông cũng là đạo diễn đầu tiên của Hàn Quốc giành được giải thưởng danh giá này.

Một cảnh trong phim Parasite

Một cảnh trong phim Parasite

Phim phản ánh sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Câu chuyện bắt đầu từ một gia đình thuộc tầng đáy của xã hội, sống chui lủi trong căn nhà chật chội như cái hầm. Nhờ một số mánh khóe mà họ đã vào được một gia đình giàu có và từng bước được sống như những người giàu, sành điệu và có học thức. Họ giống như những con ký sinh trùng đang ngày ngày hút máu của người giàu. Mọi chuyện phức tạp hơn khi họ phát hiện “một gia đình ký sinh trùng khác” cũng đang sống gần mình.

Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong xã hội đã được đạo diễn Bong Joon Ho truyền tải bằng nhiều chi tiết ẩn dụ, hình ảnh sống động khiến khán giả phải nghiền ngẫm, suy nghĩ.

Đạo diễn Bong Joon Ho nhận giải Oscar 2020

Đạo diễn Bong Joon Ho nhận giải Oscar 2020

2/ The Host – Quái vật sông Hàn (2006)

Quái vật sông Hàn kể về cuộc chiến đấu của gia đình Hee Bong cùng vài người hàng xóm với con quái vật ở bờ sông Hàn khi nó đã bắt mất cô cháu gái Hyun Seo của Hee Bong. The Host là bộ phim quái vật đầu tiên của Hàn Quốc, do Bong Joon Ho thực hiện. Chỉ sau 4 tháng ra mắt, bộ phim đã bán ra 13 triệu lượt vé, trở thành phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất trong lịch sử (tính đến năm 2006).

Bộ phim được đánh giá làm thay đổi hoàn toàn ấn tượng của thế giới về điện ảnh Hàn Quốc. Sau khi phim “xuất khẩu” sang nước ngoài, The Host đã được khán giả và giới phê bình đánh giá rất cao. Ngoài việc đạo diễn Bong Joon Ho xây dựng được một cốt truyện cuốn hút và kịch tính, phim còn nhận được lời khen ngợi về kỹ xảo hình ảnh.

The Host - Quái vật sông Hàn (2006)

The Host – Quái vật sông Hàn (2006)

Đạo diễn Bong Joon Ho đã sử dụng con vật viễn tưởng trong bộ phim của mình để kể về một sự kiện có thật. Vào năm 2000, một bác sĩ người Hàn Quốc làm việc cho quân đội Mỹ đóng quân ở Seoul đã cho đổ số lượng lớn chất formaldehyde xuống cống, bất chấp việc chất này sẽ thải ra sông Hàn. Sự kiện đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề môi trường và gây ra sự phản đối của người dân Hàn Quốc với quân đội Mỹ.

Phim ra mắt năm 2006 nhưng hơn một thập kỷ sau đó The Host vẫn là niềm tự hào của người dân xứ sở kim chi.

3/ Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá (2013)

Snowpiercer của đạo diễn Bong Joon Ho với sự tham gia của các sao Hollywood mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho người xem. Phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, nằm trong top phim doanh thu cao nhất Hàn Quốc sau khi ra rạp và cũng tham gia cạnh tranh giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes.

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết truyện tranh Le Transperceneige của ba tác giả người Pháp. Snowpiercer lấy bối cảnh thế giới năm 2031, sau thất bại trong nỗ lực khắc phục sự nóng lên toàn cầu, Trái Đất trở về Kỷ Băng Hà và khắp nơi bao phủ tuyết trắng, loài người đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Những người may mắn sống sót cùng ở trên con tàu mang tên Snowpiercer với động cơ vĩnh cửu. Con tàu giống như một xã hội thu nhỏ, phân biệt rõ toa trên của người giàu còn những người nghèo ở toa dưới cùng.

Snowpiercer - Chuyến tàu băng giá (2013)

Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá (2013)

Phim đem tới nhiều thông điệp về cuộc sống với những sự chua chát, châm biếm mà mỗi người có thể tự nhận thấy qua từng cảnh phim nhưng nổi cộm lên vẫn là câu chuyện về sự thay đổi, về sự hủy diệt những cái cũ để cái mới lên ngôi. Mọi thứ trong cuộc sống này đến một lúc nào đó cũng sẽ lụi tàn, nhường chỗ cho sự hồi sinh và đó cũng là lẽ cân bằng của tự nhiên.

Mặc dù đoạn kết hơi mang tính kể lể dài dòng, nhưng về tổng thể Snowpiercer vẫn là một tác phẩm xuất sắc của đạo diễn Bong Joon Ho. Không chỉ có câu chuyện kịch tính, nghẹt thở, đạo diễn tài ba này cùng đoàn phim của mình còn đem tới cho khán giả những trải nghiệm thật sự mãn nhãn. Khung cảnh Trái Đất nhìn từ ô cửa sổ của toa tàu được dàn dựng rất huy hoàng, hùng tráng với hiệu ứng đẹp. Mang dáng dấp của một phim Hollywood nhưng cái “hồn” của Snowpiercer vẫn đậm nét văn hóa châu Á khi khai thác mạnh vào yếu tố cảm xúc con người.

Xem thêm: Top series phim tuổi teen của Disney ăn khách nhất thế giới

4/ Okja (2017)

Okja là câu chuyện mà Bong Joon Ho ấp ủ thực hiện từ khi còn là một thiếu niên. Chuyện phim xoay quanh tình bạn giữa cô bé nông dân Mija (Ahn Seo Hyun) và một siêu lợn được nuôi nấng để thí nghiệm rồi lấy thịt có tên Okja. Chuyến hành trình giải cứu người bạn thân của Mija gây ra vô số tình huống dở khóc dở cười tại cả Hàn Quốc lẫn nước Mỹ.

Nếu như The Host xoay quanh gia đình gồm những nhân vật bất thường tìm cách giải cứu cô cháu gái bị con quái vật bỗng dưng trồi lên từ sông Hàn tha đi, thì Okja giống như phiên bản “ngược” của bộ phim cách nó hơn 10 năm khi đối tượng bị bắt cóc lại là “quái vật” đáng yêu Okja, còn người đi giải cứu là cô bé Mija dũng cảm.

Tính tương phản giữa nét dễ thương như bước ra từ giấc mơ con trẻ của Okja ở đầu phim với những khung hình tàn bạo và chân thực ở đoạn kết là chi tiết đạt hiệu quả nhất của tác phẩm cả về mặt thông điệp lẫn cảm xúc.

Mija và người bạn thân Okja

Mija và người bạn thân Okja

Bộ phim do Netflix đầu tư sản xuất với kinh phí 50 triệu USD. Sau khi ra mắt Okja đã cháy vé tại Hàn Quốc dù bị ba chuỗi rạp lớn của nước này tẩy chay do phát hành cùng ngày trên Netflix. Okja còn được ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2017.

5/ Memories of Murder (2003)

Được dựa trên câu chuyện có thật, Memories of Murder là bộ phim trinh thám, bí ẩn lấy bối cảnh vào mùa thu năm 1986 khi kẻ giết người hàng loạt đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc. Nhân vật chính của phim – thám tử phụ trách vụ án là Park Du Man (Song Kang Ho) – một thám tử dựa nhiều vào linh cảm hơn là vào suy đoán logic. Với đội ngũ thiếu năng lực nên vụ án không có tiến triển.

Sự xuất hiện của thám tử Seo Tae Yun (Kim Sang Kyung) từ Seoul đã mở ra cơ hội phá án vì anh này trái ngược hoàn toàn với thám tử Park khi giải quyết mọi chuyện logic, có tổ chức và hoàn toàn không dựa vào linh cảm. Chính điều này đã dễ dẫn đến xung đột giữa hai thám tử. Và hệ quả là việc phá án càng đi vào ngõ cụt mà số nạn nhân thì ngày càng tăng.

Memories of Murder (2003)

Memories of Murder (2003)

Đây là phim điện ảnh xuất sắc của đạo diễn Bong Joon Ho khi ông tạo ra một bộ phim chậm với bầu không khí tràn ngập sự căng thẳng. Cộng với đó, đội ngũ diễn viên có thể nói là hoàn hảo trong mỗi vai diễn từ ánh mắt, cử chỉ đã tạo thêm chiều sâu cho nhân vật. Kỹ xảo của phim tỉ mỉ đến mức ám ảnh người xem. Bộ phim hoàn toàn xứng đáng là kiệt tác của điện ảnh Hàn Quốc dưới sự cầm trịch của đạo diễn Bong Joon Ho.

6/ Mother (2009)

Mother là một bộ phim ý nghĩa về tình mẫu tử. Phim lấy bối cảnh ở vùng quê yên bình có một cậu bé thiểu năng bỗng dưng trở thành hung thủ giết người. Với niềm tin tuyệt đối vào đứa con, người mẹ đã quyết định tìm lại sự trong sạch cho con mình.

Mother (2009)

Mother (2009)

 

Một khởi đầu có vẻ đơn giản nhưng phim đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác theo từng diễn biến của câu chuyện. Từ tin tưởng, nghi ngờ đến vỡ òa cảm xúc trước sự thật không thể tin được.

Bộ phim chắc chắn sẽ không thể thành công nếu như không có sự thể hiện tuyệt vời của nữ diễn viên Kim Hye Ja trong vai người mẹ và Woo Bin trong vai người con. Vốn dĩ quen thuộc với khán giả truyền hình trong vai diễn bà mẹ hiền hậu, tốt bụng và có phần hài hước, vai diễn với nội tâm đa chiều này là một bước đột phá trong sự nghiệp của Hye Ja. Nhiều người còn nhận định rằng vai diễn này như được “đo ni đóng giày” cho bà. Thật sự khó để thể hiện tâm lý phức tạp của một người mẹ với nhiều suy tư và trăn trở như vậy, một bên là bản năng làm mẹ với tình yêu thương mãnh liệt, một bên là lòng trắc ẩn của một con người. Cậu con trai do Woo Bin đóng cũng rất xuất sắc. Vai diễn của cậu khiến người ta ám ảnh và cảm giác cậu không giống người thiểu năng bình thường.

Mother (2009)

Mother (2009)

Đạo diễn Bong Joon Ho đã khắc họa hình tượng người mẹ đậm nét với những góc quay tốt. Điểm nhấn là ánh mắt luôn chằm chằm nhìn vào đứa con mãi mãi chẳng lớn được, đứa con mang mầm mống nổi loạn với quá khứ nhiều nỗi đau. Đây là tác phẩm hình sự được thực hiện tương đối tốt với đầy đủ những twist cuốn hút khán giả vào vòng quay tâm lý của nhân vật. Nhiều yếu tố bất ngờ với cách giải quyết của nhân vật theo cấp lũy tiến. Mother là phim đình đám của Hàn Quốc vào năm 2009 với nhiều giải thưởng và tiếng tăm.

Năm 2017, trang web Metacritic đã xếp hạng đạo diễn Bong Joon Ho đứng thứ 13 trang danh sách 25 đạo diễn điện ảnh hay nhất của thế kỷ 21. Các bộ phim của ông thường tập trung khai thác vào các đề tài, chủ đề phá cách và bí ẩn, có nội dung gây tò mò cho người xem, xen lẫn vào đó là yếu tố hài kịch đen, châm biếm xã hội một cách tinh tế, sâu sắc và làm thay đổi tâm trạng của không chỉ nhân vật trong phim mà còn cả các khán giả một cách đầy bất ngờ, đột ngột và khó đoán.

Nguồn: momo.vn

Gửi phản hồi