Phụ nữ nào có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ?

Bệnh đái tháo đường thai kỳ được xác định là tình trạng rối loạn dung nạp glucose được xác định trong thời gian mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ thường cảm thấy khát nước hơn bình thường
Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ thường cảm thấy khát nước hơn bình thường

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường sau khi cho uống đường glucose. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện, sẽ biến mất sau 6 tuần sau khi sinh.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ 3-7% tổng số phụ nữ có thai, có nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách.

Đối tượng có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ

  • Bà mẹ đã từng bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai trước
  • Bị sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
  • Sinh con trên 4kg
  • Sinh con trước có dị tật bẩm sinh
  • Nhiễm độc thai ở lần mang thai trước
  • Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường
  • Sản phụ uống nhiều nước, tiểu nhiều, nước tiểu có đường, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần
  • Mẹ béo phì, tăng cân nhiều và nhanh (>20kg)
  • Mẹ lớn hơn 35 tuổi, nước ối nhiều, thai to
Phụ nữ có thai từng bị tiểu đường thai kỳ trước ở lần mang thai trước rất dễ bị đái tháo đường thai kỳ
Phụ nữ có thai từng bị tiểu đường thai kỳ trước ở lần mang thai trước rất dễ bị đái tháo đường thai kỳ

Tất cả những phụ nữ có thai thuộc diện các yếu tố trên đều nên đến cơ sở y tế khám bệnh ở chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó vào giữa tuần 24-28.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ

Nguyên nhân thứ nhất cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai. Cụ thể là do hormone nhau thai sản xuất để giúp thai nhi phát triển.

Tuy nhiên, chính các hormone này lại ngăn chặn insulin thực hiện nhiệm vụ của nó. Cơ thể bị thiếu hụt một lượng lớn insulin khiến cho lượng đường trong máu không chuyển hóa được thành năng lượng tế bào, tồn đọng ở đó trở nên dư thừa. Bệnh này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé như:

  • Đối với mẹ: tăng cân quá mức; tăng huyết áp, phù tay chân; bị đa ối, tử cung to nhanh; tăng nguy cơ sảy thai và sinh non, tiền sản giật; thời gian chuyển dạ kéo dài, khó sinh, tăng nguy cơ sang chấn, băng huyết sau sinh; tỷ lệ mổ lấy thai cao hơn, dễ bị rối loạn đường trong máu dẫn đến hôn mê sâu,…
  • Đối với thai nhi: tăng nguy cơ dị tật thai nhi, tăng tỉ lệ tử vong sau sinh lên gấp 2-5 lần hoặc thai lưu do lượng đường huyết quá cao.

Nguyên nhân thứ hai là những thai phụ béo phì có nguy cơ tiểu đường khi mang thai:

  • Khi thai phụ mắc bệnh béo phì lượng đường trong máu sẽ tăng rất cao, khiến đồng tử bị giãn và các dây thần kinh thị giác cũng bị ảnh hưởng, thị lực suy giảm.
  • Gây hại đến dây thần kinh và các mạch máu, vì vậy người bị béo phì thường dễ bị tê tay chân hơn người bình thường.
  • Cản trở hoạt động của insulin trong việc hấp thụ glucose vào các tế bào được gọi là tình trạng kháng insulin, khiến insulin không thể thực hiện tốt chức năng của cơ thể và béo phì là một trong số đó.

Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Nếu trước khi bà mẹ mang thai chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là vào tuần thai thứ 24 đến 28.

Nếu đã có tiền sử tăng đường máu khi mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ trước đó hoặc các thai phụ béo phì, thừa cân thì bác sĩ khuyên nên xét nghiệm sớm để theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24 - 28 là phù hợp
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24 – 28 là phù hợp

Phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Có hai phương pháp áp dụng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

Xét nghiệm 1 bước: Thai phụ đến làm xét nghiệm tại cơ sở y tế để kiểm tra mức độ dung nạp glucose trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Chú ý:

  • Không được ăn uống bất kỳ thứ gì trong vòng 8-14 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
  • Thai phụ được yêu cầu uống dung dịch có chứa 75g glucose.
  • Sau khi uống dung dịch glucose, điều dưỡng viên sẽ lấy máu khoảng 3 lần (cách nhau 60 phút mỗi lần) để đem đi kiểm tra mức độ đường huyết.

Xét nghiệm 2 bước: Bước đầu tiên là xét nghiệm thử đường huyết:

  • Thai phụ không cần kiêng khem hoặc thay đổi chế độ ăn uống trước khi làm xét nghiệm.
  • Thai phụ được yêu cầu uống dung dịch có chứa 50g glucose trong vòng 5 phút.
  • Chờ sau 1 tiếng để lấy máu kiểm tra nồng độ đường huyết.

Bước thứ hai, nếu nồng độ đường huyết trong máu quá cao, thai phụ sẽ được làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose trong vòng 3 tiếng đồng hồ:

  • Không được ăn uống bất kỳ thứ gì trong vòng 8-14 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
  • Thai phụ được yêu cầu uống dung dịch có chứa 100g glucose.
  • Sau khi uống dung dịch glucose, điều dưỡng viên sẽ lấy máu khoảng 3 lần (cách nhau 60 phút mỗi lần) để đem đi kiểm tra mức độ đường huyết.

Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm 1 bước: Giá trị đường huyết bất thường sau khi thử xét nghiệm dung nạp glucose với dung dịch 75g glucose trong 2 giờ là:

  • Đường huyết lúc đói: > 92 mg/dl (5,1 mmol/l).
  • Sau 1 giờ: > 180 mg/dl (10,0 mmol/l).
  • Sau 2 giờ: > 153 mg/dl (8,5 mmol/l).

Xét nghiệm 2 bước:

Nếu sau 1h uống dung dịch glucose, kết quả xét nghiệm đường huyết ≤ 140mg/dl (tương ứng với 7,8 mmol/l) thì cho thấy không bị tiểu đường thai kỳ.

Nếu kết quả này lớn hơn mức 140 mg/dl thì thai phụ được làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.

Giá trị đường huyết bất thường sau khi thử xét nghiệm dung nạp glucose với dung dịch 100g glucose trong 3 giờ là:

  • Đường huyết lúc đói: 95 mg/dl (5,3 mmol/l)
  • Sau 1 giờ: > 180 mg/dl (10,0 mmol/l)
  • Sau 2 giờ: > 155 mg/dl (8,6 mmol/l)
  • Sau 3 giờ: > 140 mg/dl (7,8 mmol/l)

Nếu có nhiều hơn một kết quả cao hơn ngưỡng cho phép thì cho thấy thai phụ đã bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống cùng các phương pháp để kiểm soát tình trạng bệnh.

Phòng bệnh tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ có thai bị tiểu đường thai kỳ cần có chế độ dinh dưỡng riêng
Phụ nữ có thai bị tiểu đường thai kỳ cần có chế độ dinh dưỡng riêng
  • Chế độ ăn phù hợp: đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin, muối khoáng và nước với khối lượng hợp lý. Tăng cân vừa phải 8 đến 12 cân trong cả thai kỳ. Tránh ăn quá nhiều tăng cân quá mức.
  • Tập thể dục đều đặn các môn thể thao an toàn cho phụ nữ có thai ví dụ như bơi, đi bộ… mỗi ngày, nên đi bộ 20- 30 phút sau ăn các bữa mỗi ngày giúp kiểm soát đường máu.
  • Kiểm soát đường huyết: đối với tiểu đường thai kỳ thì kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục cũng là điều trị kiểm soát đường huyết. Nếu chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát đường máu đạt mục tiêu thì chỉ nên kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh. Dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết. Thường nên dùng các loại insulin giống hoàn toàn insulin người. Và người bệnh tiểu đường thai kỳ cần tự theo dõi đường máu thường xuyên nhiều lần trong ngày tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Theo dõi người bệnh tiểu đường cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, có mối liên hệ chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, sản khoa, dinh dưỡng, sơ sinh.
  • Thai phụ tiểu đường thai kỳ có thể chuyển dạ tự nhiên và sinh thường khi thai đủ tháng tuy nhiên nếu đường máu kiểm soát kém, có tiền sử sảy thai thì có thể sinh sớm để tránh tử vong cho thai.
  • Giảm cân trước khi mang thai: không khuyến khích giảm cân khi có thai nhưng có thể giảm cân trước khi mang thai (nếu thừa cân) để có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Sau sinh cần cho trẻ sơ sinh bú sớm, theo dõi chặt chẽ các biến cố có thể xảy ra. Đối với người mẹ tiểu đường thai kỳ sau sinh có thể không cần điều trị và kiểm tra lại tiểu đường sau 4 đến 6 tuần.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Gửi phản hồi