Biểu hiện Da có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2?

Các biến chứng về da có thể xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao, và chúng thường là dấu hiệu dễ nhận thấy đầu tiên của bệnh tiểu đường. Hãy cùng đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và sức khỏe da của bạn.

Bệnh tiểu đường loại 2 và sức khỏe da

Biểu hiện Da có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2

Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu quá cao, do thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Và theo như ước tính có khoảng một phần ba số người mắc bệnh tiểu đường gặp phải dấu hiệu tiểu đường là các tình trạng da liên quan hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng này, gây ra tình trạng tiểu đường ngứa da.

Mọi người có thể sử dụng thuốc để giải quyết các vấn đề về da, nhưng kiểm soát lượng đường trong máu thường là cách tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề về da liên quan đến bệnh tiểu đường

Khi lượng đường trong máu quá cao trong thời gian quá dài, một số thay đổi diễn ra trong cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Đường trong máu ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Khi có quá nhiều đường trong máu, một người sẽ đi tiểu nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến mất nước và khô da.

Lượng đường trong máu cao cũng có thể dẫn đến viêm. Theo thời gian, điều này có thể làm giảm hoặc kích thích phản ứng miễn dịch. Tổn thương dây thần kinh và mạch máu cũng có thể làm giảm tuần hoàn. Lưu lượng máu kém có thể làm thay đổi cấu trúc của da, đặc biệt là collagen của da.

Nếu không có mạng lưới collagen khỏe mạnh , da có thể trở nên cứng và trong một số trường hợp, dễ gãy. Collagen cũng cần thiết để chữa lành vết thương.

Việc nhận biết các nguy cơ có thể xảy ra do sự bất thường trong biến dưỡng carbohydrate sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm và cũng giúp phòng ngừa các biến chứng. Hầu hết các biến chứng da liên quan đến bệnh tiểu đường là vô hại, nhưng một số có thể dẫn đến các triệu chứng đau đớn và dai dẳng, và chúng có thể cần được chăm sóc y tế. Những biểu hiện bất thường ở da có thể giúp phát hiện bệnh tiểu đường và trong khi bệnh tiểu đường cũng có thể làm nặng hơn các bệnh lý ngoài da. Khoảng 30 đến 70% bệnh nhân mắc tiểu đường có những biểu hiện ngoài da trong quá trình diễn tiến mạn tính của bệnh.

Lựa chọn điều trị hiệu quả nhất cho nhiều tình trạng da liên quan đến bệnh tiểu đường là quản lý lượng đường trong máu hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn steroid đường uống, kem bôi hoặc một phương pháp điều trị khác.

Tình trạng da nào có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2?

Biểu hiện Da có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2

1/ Biểu hiện ngoài da của tiểu đường

1.1/ Bàn chân tiểu đường (DIABETIC FOOD)

Với những bệnh nhân bị tiểu đường loại 2 nếu không thể kiểm soát tốt lượng đường huyết thì có thể gặp phải tình trạng bàn chân có những vết loét do hậu quả của đái tháo đường kết hợp với các bệnh lý của thần kinh ngoại biên (chiếm tới 60 đến 70%), viêm mạch máu ngoại vi gây thiếu máu (chiếm tới 15 đến 20%) hay trường hợp do bị cả 2 nguyên nhân trên.

Các vị trí chịu sức ép và lực tỳ đè ở bàn chân là những nơi sẽ bị viêm loét, có thể gây biến chứng hoại tử hay nhiễm trùng.

Có tới 15 đến 25% bệnh nhân tiểu đường loại 2 có thể bị bàn chân tiểu đường, trong đó số lượng ca phải đoạn chi lên đến 70%.

1.2/ Bệnh da do tiểu đường loại 2 (DIABETIC DERMOPATHY)

Sang thương da do tiểu đường có màu hơi đỏ nâu, hình tròn, d ~ 0.5 – 1.5cm, là tình trạng dày các mạch máu ngoại biên, có sự tẩm nhuận tế bào lympho quanh thành mạch, lắng đọng sắc tố hemosiderin rải rác kèm xuất huyết. Đây là bệnh lý mạch máu nhỏ, là dấu hiệu ngoài da phổ biến nhất của đái tháo đường và thường có trên 50% bệnh nhân đái tháo đường, nam nhiều gấp 2 lần nữ. Vị trí sang thương thường xuất hiện: cẳng chân, đôi khi có ở đùi, cánh tay. Bệnh nhân đái tháo đường có các tổn thương da do bệnh lý mạch máu nhỏ đặc hiệu này có thể có những biến chứng bệnh lý mạch máu do đái tháo đường như: retinopathy, neuropathy, nephropathy.

1.3/ Hoại tử mỡ do đái tháo đường (NECROBIOSIS LIPOIDICA)

Ở khoảng 1% bệnh nhân tiểu đường sẽ xuất hiện hoại tử mỡ, trong đó trên 70% bệnh nhân là phái nữ. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ nhưng khả năng lớn là do tình trạng viêm những mạch máu nhỏ trong bệnh tiểu đường. Vết sang thương trong đái tháo đường là những mảng da nhỏ bị teo mất lớp thượng bì, màu vàng ngả nâu, có giới hạn rõ, không đau, bề mặt có các vết loét. Bờ sang thương đỏ, nhô cao, đa số xuất hiện ở cẳng chân; 75% ca đối xứng, có thể có ở bàn chân, cánh tay, thân mình hay da đầu. Bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin có thể có các sang thương hoại tử mỡ rất sớm, trung bình từ 22 tuổi. Trong khi đó, chúng xuất hiện trễ hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin hay ở những người không bị đái tháo đường, trung bình 49 tuổi.

1.4/ Ngứa da cẳng chân mắc phải: (ACQUIRED ICHTHYOSIFORM CHANGES OF THE SHIN)

Đây là biểu hiện trên da thường thấy nhất của bệnh đái tháo đường loại 2, đặc biệt hay gặp ở 50% bệnh nhân trẻ bị tiểu đường phụ thuộc insulin, hiện nguyên nhân không rõ. Có thể có sự tham gia của bệnh lý tổn thương dính lớp sừng, tăng glycosylation, mạch máu nhỏ và da lão hoá nhanh.

1.5/ Chứng gai đen: (ACANTHOSIS NIGRICANS)

Dấu hiệu tiêu biểu là hiện tượng da mịn như nhung, dày lên và tăng sắc tố, thường hay thấy ở bề mặt các nếp gấp như: nách, cổ, bẹn, quầng núm vú, dưới vú, rốn, cùi chỏ. Biểu hiện này rất phổ biến, đặc biệt là những bệnh nhân bị đái tháo đường kháng insulin type A, thường gặp ở bệnh nhân người Mỹ gốc Phi, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và người dân ở vùng Đông Nam Á có kèm thêm chứng béo phì, một yếu tố trong hội chứng chuyển hoá. Nguyên nhân bệnh sinh là do tình trạng insulin trong máu tăng có thể kích hoạt insulin growth factor (IGF-1) thụ thể nằm trên các tế bào sừng dẫn đến việc phát triển quá mức ở lớp thượng bì.

Chứng gai đen thường kết hợp nhiều nhất với những bệnh nhân mắc chứng kháng insulin và bị một số bệnh nội tiết khác như suy thượng thận, suy tuyến giáp.

1.6/ Mụn lồi có cuống ngoài da: (SKIN TAGS – ACROCHORDONS)

Đây là những u lành tính có cuống nằm ngoài da thường thấy quanh vùng cổ hay ở những nếp gấp lớn của người cao tuổi, một số trường hợp nhận thấy chứng gai đen xuất hiện kết hợp với các u lành tính có cuống. Các nhà khoa học khuyến cáo nên đặt nghi vấn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường do rối loạn biến dưỡng carbohydrate ở những người bệnh nhân có xuất hiện nhiều mụn lồi có cuống ngoài da.

1.7/ U vàng phát ban (ERUPTIVE XANTHOMAS)

U vàng phát ban là một trong những thể u vàng gồm: u vàng thể phát ban, u vàng thể phẳng bao gồm u vàng mí mắt, u vàng thể củ, u vàng ở gân, u vàng thể sùi.

U vàng phát ban hiện diện do sự lắng đọng lipid dưới da. Chúng có thể phát triển do tăng triglyceride máu. Một số tình trạng có thể gây ra nồng độ triglyceride cao trong huyết thanh, có khả năng dẫn đến u vàng phát ban, bao gồm: béo phì, bệnh đái tháo đường, lạm dụng rượu, suy giáp. Các nhà nghiên cứu cho rằng u vàng phát ban có thể là dấu đầu tiên chỉ điểm của bệnh đái tháo đường chưa được điều trị, có kèm tăng triglyceride máu nặng.

1.8/ Da biến đổi giống xơ cứng bì: (SCLERODERMA – LIKE SKIN CHANGES)

Các biến đổi trên da giống với tình trạng xơ cứng bì là hiện tượng da dày và cứng ở phần mặt lưng các ngón tay (sclerodactyly) và liên đốt giữa hoặc các khớp liên đốt gần. Các biến đổi này có thể lan đến cánh tay, cẳng tay và lưng, có đối xứng 2 bên, không gây đau. Da sờ cảm giác giống như sáp, biến đổi tương tự hiện tượng xơ cứng bì nhưng không gây đau, không có hiện tượng da bị teo, sưng phù, giãn mạch hay hiện tượng Raynaud.

Tình trạng da này xảy ra ở 10 đến 50% bệnh nhân đái tháo đường nhưng ít gặp ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, gặp ở cả hai giới. Nguyên nhân bệnh sinh là do các sản phẩm sau cùng của quá trình tăng glycosylation dẫn đến collagen bị đặc quánh.

1.9/ Phù cứng bì tiểu đường BUSCHKE: (SCLEREDEMA DIABETICORUM OF BUSCHKE)

Da bệnh nhân đái tháo đường bị phù cứng lan tỏa và đối xứng, đôi khi có hồng ban, xuất hiện chủ yếu ở cổ, vai, lưng, có thể lan đến mặt. Da phù cứng như gỗ, không kéo lên được, giảm cảm giác đau và sờ mó. Đây là biểu hiện ngoài da hiếm gặp, thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type II, nam, trên 40 tuổi, rất ít có ở bệnh nhân nữ. Đa số bệnh nhân bắt đầu lệ thuộc insulin, điều trị thường không thành công và có nhiều biến chứng.

1.10/ Bóng nước tiểu đường: (BULLOSIS DIABETICORUM)

Là những bóng nước căng, d~0,5-3 cm, không có quầng viêm chung quanh, thường xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, cẳng tay, ngón chân, bàn chân, cẳng chân, hiếm khi có ở thân mình. Sang thương dạng này hiếm gặp, phát triển cấp tính và thường không ngứa, không đau, xuất hiện ở những bệnh nhân bị đái tháo đường nghiêm trọng, bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh võng mạc tiểu đường. Những bóng nước xuất hiện tự nhiên ở các đầu chi dưới có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường.

1.11/ Bệnh KYRLE (còn gọi là da thủng lỗ mắc phải): (ACQUIRED PERFORATING DERMATOSIS – APD)

Sang thương APD là những u hạt viêm mạn tính quanh vị trí nang lông, có hình dạng giống với vỏ con hàu, dày sừng xung quanh và lõm ở giữa, rất ngứa, tập hợp thành một vệt dài (còn gọi là hiện tượng Koebner), có màu hồng hoặc đỏ ở những bệnh nhân da trắng, có tăng sắc tố ở những bệnh nhân da đen. Vị trí hay gặp: thân mình, da đầu, mặt và các đầu chi. Nguồn gốc của tổn thương này hiện chưa rõ, có thể do phản ứng viêm da thứ cấp kèm lắng đọng acid uric, tăng urê huyết hoặc chấn thương trầy xước do gãi. APD có liên quan chặt chẽ với 5 đến 10% bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân bị suy thận mạn, thường xuất hiện muộn 10 đến 30 năm sau được chẩn đoán đái tháo đường và nhiều tháng sau quá trình lọc thận.

1.12/ Bệnh da ửng đỏ: (RUBEOSIS)

Từ 3 đến 59% bệnh nhân tiểu đường loại 2 có vùng da mặt, cổ và các đầu chi luôn bị đỏ ửng, nguyên nhân có thể do giảm sự co mạch.

1.13/ Đốm Shin

Các đốm này thường có màu nâu và không gây ra triệu chứng. Vì những lý do này, nhiều người nhầm chúng với các đốm đồi mồi. Không giống như các đốm đồi mồi, những đốm và đường này thường bắt đầu mờ đi sau 18 đến 24 tháng. Bệnh da do tiểu đường cũng có thể tồn tại trên da vô thời hạn.

Nó thường hình thành trên ống chân. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn sẽ thấy nó trên cánh tay, đùi, thân mình hoặc các vùng khác trên cơ thể.

1.14/ Nang lông dày sừng (KERATOSIS PILARIS)

Một bệnh về da lành tính rất phổ biến ở những bệnh nhân đang trong thời kỳ bệnh tiến triển của tiểu đường loại 2, với biểu hiện là những nốt sẩn dày sừng quanh vị trí nang lông, chủ yếu hay gặp ở thân mình. Nang lông dày sừng, khá giống với bệnh da vảy cá mắc phải

1.15/ Nhiễm trùng da (Nhiễm vi nấm, vi khuẩn)

Nhiễm trùng da có thể xảy ra cho 20 đến 50% bệnh nhân tiểu đường, đa số ở bệnh tiểu đường type II không được kiểm soát đường huyết tốt gây bất thường vi tuần hoàn, giảm hiện tượng thực bào, suy yếu sự kết dính của bạch cầu và làm chậm hiện tượng hóa ứng động.

  • Nhiễm vi nấm:

Vi nấm chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh nhiễm ngoài da do đái tháo đường vì bệnh nhân bị suy yếu hàng rào bảo vệ da, phổ biến nhất là nhiễm nấm Candida và cũng thường là biểu hiện cảnh báo đầu tiên của đái tháo đường. Candida có thể gây viêm kẽ, viêm miệng, viêm móng, viêm quy đầu, viêm âm hộ – âm đạo.

Các bệnh do nhiễm vi nấm ngoài da khác của đái tháo đường thường là: nấm kẽ ngón chân, viêm quầng, viêm mô tế bào, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết do nấm. Bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid rất dễ có nguy cơ nhiễm vi nấm nhóm Phycomycetes (mucormycosis) gây sang thương dạng hoại tử mạch máu trung tâm, đặc biệt ở vùng hầu họng, có thể gây viêm não và hầu hết bệnh nhân đều tử vong.

  • Nhiễm vi khuẩn:

Nhiễm khuẩn da của bệnh nhân đái tháo đường nhiều gấp 3 lần các bệnh khác, đa số do vi khuẩn Gram âm như Pseudomonas aeruginosa, đặc biệt trong loét bàn chân đái tháo đường là triệu chứng không được xem nhẹ vì bệnh nhân có thể bị đoạn chi, nhiễm trùng huyết nghiêm trọng và vi khuẩn P. aeruginosa kháng thuốc. Bệnh nhân đái tháo đường không được kiểm soát tốt cũng rất dễ bị viêm da mủ, viêm quầng, viêm mô tế bào do nhiễm Streptococcus nhóm A & B, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA).

  • Necrobiosis lipoidica diabeticorum (NLD)

NLD là một tình trạng hiếm gặp và mãn tính gây ra phát ban hình thành trên da của bệnh nhân tiểu đường. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng nó ảnh hưởng đến 0,3% những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Hơn một nửa số người này phụ thuộc vào insulin.

Tổn thương thường bắt đầu là những nốt sần nhỏ, chắc, nổi lên và tiến triển thành những mảng lớn hơn như sáp, cứng, lõm, màu vàng đến nâu đỏ.

Các vết thương thường trở nên như sáp và phát triển thành viền màu tím theo thời gian. Mặc dù vô hại, NLD có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như sẹo. Da cũng dễ bị nhiễm trùng hơn. Có khoảng 15% trường hợp có hiện tượng loét có thể xảy ra.

  • Xanthelasma

Người mắc bệnh xanthelasma có vảy, chất béo màu vàng trên và gần mí mắt. Chúng cũng có thể xuất hiện trên cổ, thân, vai và xung quanh nách.

Xanthelasma có thể là kết quả của lượng đường trong máu cao và lượng chất béo cao trong cơ thể, nhưng chúng có thể xảy ra ở những người không có những yếu tố này.

Trong một số trường hợp, có thể do xu hướng di truyền phát triển xanthelasma cùng với cholesterol cao. Các tình trạng làm tăng nguy cơ bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì và mang thai.

Xanthelasma không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người.

  • Eruptive-xanthomatosis

Những vết sưng này xuất hiện đột ngột và hết ngay khi bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt.

Khi những nốt mụn này xuất hiện, chúng thường giống như mụn nhọt. Không giống như mụn nhọt, chúng sớm phát triển có màu hơi vàng. Bạn sẽ thường thấy những vết sưng này ở mông, đùi, khuỷu tay hoặc mặt sau của đầu gối. Tuy nhiên, chúng có thể hình thành ở bất cứ đâu. Bất kể chúng hình thành từ đâu, chúng thường mềm và ngứa. Tên y tế của tình trạng da này là xanthomatosis phun trào.

2/ Biến chứng ngoài da do đái tháo đường tuýp 2

Các phản ứng ngoài da gây ra do dùng thuốc kháng đái tháo đường gồm: mày đay, hồng ban đa dạng, phát ban dạng trứng cá đỏ, dạng lichen. Tolbutamide và chlorpropamide có thể gây tình trạng da nhạy cảm với ánh sáng. Sulfonylureas là nhóm thuốc hạ đường huyết thường gây phản ứng dị ứng ngoài da nhất. Các thuốc nhóm Sulfonylureas thế hệ thứ 2 (glimepiride, glipizide. glyburide) ít gây tác dụng phụ ở da hơn thế hệ 1.

  • Teo mô mỡ (lipoatrophy) ở vị trí chích insulin, thường ở bụng và đùi, xảy ra 6-24 tháng sau khi bắt đầu chích thuốc. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở trẻ em và phái nữ
  • Tăng sinh mô mỡ (lipohypertrophy) là những nốt mềm ở da giống bướu mỡ, thường xuất hiện ở 4% đái tháo đường type II tại vị trí thường xuyên chích insulin hàng ngày với liều cao, kim chích dùng nhiều lần và không thay đổi vị trí chích. Việc chích insulin vào những vị trí tăng sinh mô mỡ có thể làm chậm hấp thu insulin khiến sự kiểm soát đường huyết sai lệch và bệnh nhân có những cơn hạ đường huyết không dự đoán được.
  • Dị ứng với insulin tương đối hiếm xảy ra, thường thấy ở insulin bò hơn ở insulin heo. Insulin người được sản xuất từ công nghệ tái tổ hợp DNA ít gây phản ứng dị ứng và rối loạn mô mỡ. Các phản ứng dị ứng ngoài da với insulin có thể là mày đay hoặc phản ứng quá mẫn chậm (bệnh huyết thanh).

3/ Các bệnh ngoài da kết hợp với đái tháo đường

3.1/ U hạt vòng lan tỏa (DISSEMINATED GRANULOMA ANNULARE)

Bệnh nhân bị U hạt vòng lan tỏa có thể cũng bị đái tháo đường. Trên thân mình có rất nhiều sẩn, nốt đường kính 1 đến 2mm, tổn thương có thể tụ họp thành mảng hình vòng, tiến triển xa tâm, vùng da sạch ở giữa. U hạt vòng rất phổ biến nhưng hiếm khi lan tỏa, nguyên nhân bệnh sinh hiện chưa rõ và sự kết hợp với đái tháo đường còn có nhiều tranh luận.

3.2/ Lichen phẳng (LICHEN PLANUS)

Theo một báo cáo, khoảng một nửa số bệnh nhân bị lichen phẳng có sự rối loạn chuyển hoá glucose, trong đó có 1⁄4 trường hợp bị đái tháo đường.

3.3/ Bạch biến (VITILIGO)

Tỷ lệ bệnh bạch biến ở những bệnh nhân bị đái tháo đường cao gấp 10 lần so với người bình thường, đặc biệt là phái nữ có tiểu đường type II. Trong số các bệnh nhân bị đái tháo đường có lệ thuộc insulin, bạch biến có thể phối hợp với các kháng thể kháng lại insulin.

Ngăn ngừa biến chứng da do mắc bệnh tiểu đường

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ, mức độ nghiêm trọng và tần suất của tất cả các tình trạng da liên quan đến bệnh tiểu đường là duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh.

1/ Lời khuyên về kiểm soát đường huyết

Các mẹo về lối sống để đạt được và duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh bao gồm:

  • Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tuân theo kế hoạch điều trị, bao gồm cả việc sử dụng thường xuyên bất kỳ loại thuốc nào bác sĩ đề nghị

Chú ý đến việc chăm sóc và vệ sinh cá nhân cũng có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng này.

2/ Mẹo chăm sóc da

Các mẹo chăm sóc da bao gồm:

  • Tránh tắm lâu hoặc nước nóng và vòi hoa sen, phòng xông hơi khô và bồn tắm nước nóng
  • Chọn các sản phẩm tắm không làm khô hoặc kích ứng da, chẳng hạn như xà phòng không có mùi thơm
  • Sử dụng dầu gội đầu nhẹ, dầu xả và sữa tắm
  • Giữ cho da sạch và khô nhất có thể
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để cung cấp nước cho da
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm và ít tắm khi thời tiết hanh khô
  • Tránh dùng thuốc xịt vệ sinh phụ nữ
  • Tránh gãi hoặc chà xát làm nhiễm trùng, phát ban và lở loét
  • Điều trị vết cắt ngay lập tức và theo dõi tiến trình chữa lành của chúng
  • Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ da liễu về các vấn đề da dai dẳng

Điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường là kiểm tra bàn chân của họ để biết các thay đổi trên da, vết loét và các thay đổi khác hàng ngày.

Giày vừa vặn, thoải mái có thể giúp cải thiện lưu thông ở chân và ngăn ngừa hoặc giảm bớt tác động của các tình trạng khác.

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Gửi phản hồi